Bạn đang tìm kiếm cho bản thân một phương pháp học để gia tăng hiệu suất? Dù đã áp dụng “chuẩn – chỉnh” các bước trong cách học từ người đứng đầu nhưng tại sao bạn vẫn thấy nó không phù hợp? Tại sao họ có thể học bằng cách đọc bởi vì bạn chỉ thích ngồi nghe giảng hơn là đọc hết quyển sách và hiểu? Tại sao có người có thể vừa nghe nhạc vừa đọc sách?
Vậy có thể bạn chưa biết điều này: mỗi con người chúng ta có 3 cách tiếp nhận thông tin. Và trong bài này, Giáo Dục Nidobcn sẽ giới thiệu cho bạn về phương pháp học tập VAK và cách để khám phá phong cách học tập của chính bạn.
1. Phương Pháp học tập VAK là gì?
Phương pháp học tập VAK là thuật ngữ mới, chưa được biết rộng rãi ở Việt Nam dù đây là mô hình học tập được các nhà tâm lý học phát triển từ năm 1920 để phân loại những cách học tập. Theo mô hình, hầu hết chúng ta có xu hướng và thích học theo một trong ba cách: thị giác, thính giác hoặc vận động (mặc dù trên thực tế, chúng ta thường “pha trộn và kết hợp” ba kiểu này).
- Visual – Thị giác: người học trực quan sẽ hấp thụ và giữ thông tin tốt hơn khi nó được trình bày bằng các dụng cụ trực quan như hình ảnh, sơ đồ và biểu đồ.
- Auditory – Thính giác: những người này sẽ học bằng cách lắng nghe những điều đang được trình bày. Họ phản ứng rất tốt với giọng nói, như bài giảng hoặc thảo luận nhóm, họ có thể làm tốt sau khi nghe hướng dẫn
- Kinesthetic – Vận động: người học theo phương pháp này thích trải nghiệm thể chất, cảm nhận. Họ thích tự thực hành và rút kinh nghiệm từ những lỗi đã từng mắc phải.
2. Lợi ích của việc ứng dụng phương pháp học tập VAK là gì?
Đây là một mà vẫn ít người biết tới hiện tại ở Việt Nam, việc vận dụng nó vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng cho bạn những kết quả khác biệt so với những cách học truyền thống mà ta từng biết.
Việc áp dụng phương pháp học tập VAK tiếp thu thông tin sẽ:
- Đối với người học: giúp họ chọn cách học, nơi học, nội dung áp dụng và người hướng dẫn phù hợp nhất để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận và truyền đạt thông tin.
- Đối với người dạy: giúp họ xây dựng chương trình học phù hợp hơn với từng nhóm học viên, tạo cảm hứng và kích thích sự đam mê, chủ động trong học tập.
Hiểu được đặc tính của 3 cách tiếp nhận này và xu hướng học của bản thân, bạn sẽ cải thiện được hiệu suất không chỉ trong môi trường học tập mà còn nhiều tương tác, tình huống khác nhau.
Thông thường sẽ có người có thể áp dụng 2 trong 3 cách, có người chỉ cần áp dụng 1 trong 3 cách là đủ, số ít hơn là dùng cả 3 cách. Kết hợp cả 3 cách V, A, K hình thành cách học riêng biệt sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau.
3. Nhận diện và cách phát triển mô hình học tập phù hợp với bản thân
3.1 Người học bằng thị giác Visual – Phương pháp học tập VAK
3.1.1 Đặc điểm
- Họ hay để ý, ghi nhớ các chi tiết hoặc màu sắc từng nhìn thấy
- Có xu hướng nói nhanh, đôi khi mất chữ, có thể ngắt đoạn
- Trầm tĩnh với mọi người xung quanh
- Ghi chú nhanh và chi tiết trong quá trình thảo luận và ôn tập lại rất nhanh
- Có thói quen dùng bút dạ quang đánh dấu cho những tiêu đề, từ khóa, mục đích khác nhau
- Học qua biểu đồ và sơ đồ, dùng biểu tượng để ghi nhớ
- Có thể nhận diện người từng gặp bằng khuôn mặt (nhưng có thể quên tên)
3.1.2 Chiến lược học tập
- Sử dụng giấy ghi chú, sticker để ghi lại tài liệu, dùng màu sắc và bút nhớ để đánh dấu những thứ quan trọng
- Tập tư duy bằng hình vẽ và ứng dụng vào học thông qua hình minh họa như: biểu đồ, mindmap, sách có hình minh họa, phim, video, tờ tóm tắt nội dung
- Sử dụng vật liệu trực quan để củng cố học tập và tìm kiếm thông tin: biểu đồ, tranh ảnh, biểu tượng,…
- Nên chú ý và nhìn vào ngôn ngữ, cử chỉ, và nét mặt của giáo viên để dễ tập trung và tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn
- Bạn nên ngồi phía trên lớp học, tránh ngồi góc khuất, nơi quá xa bảng viết
- Thường xuyên đi quan sát, đi thực tế các vấn đề liên quan tới công việc, học tập
- Sử dụng các phông chữ khác nhau, in đậm và gạch dưới các khái niệm và các sự kiện quan trọng
3.2. Người học thính giác Auditory – Phương pháp học tập VAK
3.2.1 Đặc điểm
- Thường là người dẫn dắt câu chuyện.
- Là người có xu hướng nói chậm, giọng nói có tiết tấu, có khả năng điều chỉnh ngữ điệu
- Có xu hướng lặp lại mọi thứ thật to
- Rất nhạy cảm với âm thanh, có khả năng nhận biết giọng nói của người quen
- Là một người lắng nghe tuyệt vời
- Khi ngồi nói chuyện thì nửa thân trên hơi đổ về phía trước hoặc nghiêng tai theo hướng âm thanh để lắng nghe, không thể ngừng nói chuyện
- Thích nghe nhiều hơn là đọc
- Dễ bị ảnh hưởng, gây mất tập trung bởi âm thanh xung quanh
3.2.2 Chiến lược học tập
- Để nắm bắt vấn đề nhanh và ghi nhớ sâu, cần sử dụng những phương pháp ghi nhớ trung gian như thuật ngữ, ký hiệu riêng của bản thân
- Đọc to văn bản, ôn tập bằng cách nói lặp đi lặp lại nhiều lần để thính giác được hoạt động nhiều và truyền lên bộ nhớ nhanh hơn
- Chọn vị trí, không gian yên tĩnh, tránh các tiếng động như nhạc, sự di chuyển và hoạt động của mọi người xung quanh. Có thể mở nhạc, cô lập bản thân với tiếng ồn
- Dùng máy ghi âm để ghi lại các bài giảng thay vì ghi chép
- Rèn luyện các kĩ năng viết tóm tắt những ý chính, mấu chốt
- Tham gia học nhóm và thường xuyên thảo luận, trao đổi ý kiến của bạn bè. Dùng phương pháp phân tích ngôn ngữ, đưa dẫn chứng, kể chuyện để chứng minh quan điểm của bạn
- Sử dụng ngón trỏ trong quá trình đọc để tránh việc bỏ qua các từ hay cả dòng
3.3 Người học bằng vận động Kinesthetic – Phương pháp học tập VAK
3.3.1 Đặc điểm
- Khả năng tập trung, chú ý chỉ trong khoảng thời gian ngắn, cảm thấy khó khăn khi phải ngồi lâu
- Thường đi lòng vòng khi nghe điện thoại hoặc khi học bài phải vận động thì mới tập trung
- Học bằng cách thực hành và giải quyết vấn đề thực tiễn
- Thích chạm vào mọi thứ, hành động cần sự vận động nhiều của cơ bắp
- Thích nghỉ giải lao khi học tập
- Thích sự cạnh tranh, thách thức trong các lĩnh vực thể thao
- Có thể nghe nhạc khi học
3.3.2 Chiến lược học tập
- Tham gia vào các môn học liên quan tới vận động cơ thể, có tính thể thao mạnh
- Tối ưu hóa học nhóm bằng những trò chơi, mô phỏng, giả lập tình huống
- Tham khảo phương pháp Pomodoro, tập trung trong khoảng ngắn và giải lao, lặp lại quá trình đấy trong học tập và làm việc
- Thay đổi địa điểm, đi bộ hoặc thường xuyên vận động cơ thể khi nghỉ ngơi để giúp thả lỏng chân tay
- Ôn lại thông tin trong đầu khi đang di bộ, đi bơi hay chạy bộ
- Cầm sách khi học, đi đi lại lại và đọc to thông tin
- Sử dụng nhiều màu để nhấn mạnh ý chính, tạo sự tập trung
- Nên tạo hoặc sử dụng nhiều cơ hội thí nghiệm, thực hành trong các phòng thí nghiệm và phòng thu và tự rút kinh nghiệm
- Sử dụng kỹ thuật về vận động – cử chỉ tay, nên có những trò chơi như rubik, bánh cao su để luyện tập và giữ đôi tay bận rộn
- Sử dụng máy tính để dạy ngôn ngữ và toán học bởi cử động tay nhiều sẽ kích thích sự húng thú, tạo sự tập trung
Trong thực tế, phương pháp học hiệu quả là sự kết hợp từ ba phương pháp trên. Tuy nhiên, phương pháp sẽ phụ thuộc từng đặc điểm cá nhân, bởi có nhiều người chỉ cần một cách là đủ, nhưng cũng những người phù hợp nhất là phối hợp cả 2 và thậm chí 3 (rất ít) cách.
Giáo Dục Nidobcn hy vọng qua bài viết này có thể cung cấp cho bạn phương pháp học tập VAK hiệu quả và cách để nhận biết đó. Không có cách học nào đúng hay sai, chỉ có cách học phù hợp với phương cách học của bạn nhất.
Lê Bảo Vân là người sáng lập NidoBCN, một nền tảng giáo dục trực tuyến nổi bật với sứ mệnh mang đến các giải pháp học tập hiệu quả và kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, Vân đã xây dựng NidoBCN từ một ý tưởng nhỏ thành một cộng đồng giáo dục phát triển mạnh mẽ. Đọc tiếp!