Phương pháp chung cho các môn:
1. Xác định mục tiêu của việc học một cách rõ ràng: Vì nếu em hiểu rõ mục tiêu của việc học thì nó sẽ quyết định phương pháp học, kết quả học của em.
2. Lên kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian học một cách cụ thể khoa học . Em hãy lập cho mình một thời gian biểu: Có thời gian học và thời gian giải trí hợp lý.
3. Hành động của em phải luôn kiên định. Đó chính là khả năng kiên trì đọc sách, ghi chép lại nội dung quan trọng cần thiết và ôn bài mỗi ngày.
4. Sử dụng kĩ năng trí nhớ để tiếp thu thông tin: Khi ngồi trong lớp em hãy chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài; những nội dung cơ bản thì ghi vào vở. Chú ý kết hợp: Mắt nhìn (nhìn thầy cô, nhìn bảng), tai nghe (nghe những lời thầy cô giảng), tay viết (viết những điều thầy cô yêu cầu ghi vào vở, những điều thầy cô giảng)
5. Để hiểu bài và nhớ lâu: Trong lớp luôn phát biểu ý kiến xây dựng bài. Em hiểu thế nào nói thế đó, nếu em trả lời đúng sẽ nhớ rất lâu, nếu em trả lời chưa đúng, thầy cô sẽ sửa lại giúp em, em cũng sẽ nhớ rất lâu. Đừng bao giờ thụ động, thầy cô nói gì mình nghe vậy, hãy nói ra suy nghĩ của mình.
6. Phương pháp học để nắm thông tin: Đọc lướt một lần toàn bộ văn bản, sau đó đọc chậm lại và ghi nhớ nội dung chính. Sau khi đọc nắm bắt thông tin chính, ghi chú bằng sơ đồ hoặc tóm tắt nội dung chính ra giấy.
7. Khi bắt đầu ngồi vào bàn học, việc đầu tiên là xem lại toàn bộ bài vừa học trong ngày, mở vở nháp đọc lại những lời thầy cô giảng mà em đã ghi nhanh được, sau đó học bài của ngày hôm sau. Sau khi đã học xong bài của ngày hôm sau, hãy mở sách giáo khoa ra: Đọc bài ngày mai thầy cô sẽ dạy. Ghi chép hoặc đánh dấu những điều mình không hiểu hoặc chưa hiểu rõ, để ngày mai khi nghe giảng sẽ chú ý kĩ hơn những nội dung này. Nếu tiết học vẫn chưa hiểu thì mạnh dạn đứng lên hỏi thầy cô. Thầy cô luôn mong muốn mình ham hiểu biết.
8. Không bao giờ tự thỏa mãn với kết quả mình đạt được. Học ở trường, học ở nhà, học trong sách vở, học ở bạn bè, học bên ngoài SGK bằng việc học hỏi kiến thức mới trong sách tham kháo. Không bao giờ bỏ qua các chủ đề và chương sách khó hiểu. Hãy hào hứng bắt tay vào tìm ra lời giải đáp, những điều mình còn thắc mắc, những điều mình còn chưa hiểu.
Việc học tập phải có kiểm tra, đánh giá, để làm bài đạt hiệu quả cao các em cần lưu ý: Vì bài kiểm tra hay bài thi cũng chỉ kiểm tra lại kiến thức thầy cô đã cung cấp cho mình, đã ôn luyện cho mình, mà mình thì đã chuẩn bị kĩ rồi. Khi làm bài kiểm tra hay khi đi thi nên nhớ: Luôn giữ thái độ bình tĩnh (vì mọi người xung quanh ai cũng như mình), tự tin (luôn tin vào năng lực và khả năng chiến thắng của mình), tự đặt mình vào trạng thái quyết tâm mạnh mẽ. Trước khi làm bài em luôn tự nhủ trong đầu mình bằng những từ ngữ mạnh mẽ: “Mình sẽ đạt điểm 10”, “Bài này rất dễ vì mình đã chuẩn bị kĩ”, “không có gì là mình không làm được”
Bước 1: cầm đề đọc lướt qua đề 1 lần từ đầu đến cuối đề. Đọc lại lần 2 chậm rãi, vừa đọc vừa suy nghĩ, chọn ra câu dễ, câu khó, ý dễ, ý khó. Dự kiến thời gian làm cho từng câu. Phân chia thời gian hợp lí. Dự phòng để kiểm tra lại.
Bước 2: Chọn lọc câu hỏi để bắt đầu làm bài. Luôn đọc kĩ câu hỏi, chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Trong một câu chọn ý dễ làm trước, ý khó làm sau. Trả lời câu hỏi vừa đủ, đừng đi quá đà, đừng bao giờ bỏ cuộc nên làm nháp trước.
Bước 3: Sau khi làm xong: Không được bỏ qua bước kiểm tra lại bài làm, nên kiểm tra kĩ mình làm đúng hay chưa. Không vội vàng, cẩu thả, chữ viết luôn sạch sẽ, rõ ràng (chữ em có thể không đẹp nhưng phải sạch sẽ, rõ ràng, đúng chính tả). Bên cạnh việc em làm đúng, thầy cô chấm bài luôn thích những bài có chữ viết sạch sẽ, rõ ràng, không có lỗi chính tả, vì vậy chữ viết sạch sẽ, rõ ràng, không có lỗi chính tả sẽ giúp em có điểm cao hơn. Ngoài phương pháp học chung như đã nêu ở phần trên, các em cần phải có phương pháp học riêng cho từng môn, từng phân môn. Mỗi môn học có phương pháp riêng, mỗi người cũng có cách học riêng.
Một vài phương pháp học ở các môn khoa học tự nhiên:
1/ Môn toán: Toán học là nền tảng cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên khác. Có thể nói rằng không có toán học, sẽ không có ngành khoa học nào cả. Đối với môn toán: các em không cần phải nhớ quá nhiều như những môn khác. Môn toán như một chuỗi dây xích, khi nắm chắc A ta có thể dựa vào đó để tìm được mắc xích B bên cạnh A. Điều khó khăn nhất để giỏi môn toán là phải dành cho nó nhiều thời gian. Dù không phải nhớ nhiều, nhưng trước hết các em phải nhớ các định nghĩa, các tính chất, các định lý và các hệ quả. Để nhớ và hiểu sâu sắc các định nghĩa và định lý, các em phải làm nhiều bài tập. “Trăm hay không bằng tay quen”. Khi đến 1 khu phố lạ ta bị lạc đường nhưng 1 em bé 10 tuổi có thể dẫn ta đi bất cứ ngóc ngách nào mà không lạc, đó chính là do “quen”. Để hiểu hết 1 cuốn sách toán ta cần hiểu từng trang, để hiểu hết 1 trang ta chỉ cần hiểu từng dòng và để hiểu mỗi dòng có lẽ là không khó lắm. Thật ra học toán là các em học tại sao có dấu bằng? Tại sao có dấu lớn hơn? Tại sao có dấu nhỏ hơn? Tại sao có dấu suy ra và tại sao có dấu tương đương? Để hiểu một bài toán ta cần phải nhớ các kiến thức căn bản chứa đựng trong định nghĩa và định lý. (Để nhớ các định nghĩa và định lý ta cần làm nhiều bài tập).Có khi các em nghe giảng thì hiểu nhưng không thể tự làm lại được. Để kiến thức thực sự là của ta thì ta phải tự làm lại những bài tập từ dễ đến khó. Hãy kiên nhẫn học lại những điều rất cơ bản và làm cả những bài tập đơn giản. Chính những kiến thức cơ bản giúp ta hiểu được những điều nâng cao sau này. Một vấn đề phức tạp là tổ hợp của nhiều vấn đề đơn giản, 1 bài toán khó là sự nối kết của nhiều bài toán đơn giản. Chỉ cần nắm vững những vấn đề căn bản rồi bằng óc phân tích và tổng hợp các em có thể giải quyết được rất nhiều bài toán khó. Tóm lại, để học tốt môn toán các em cần phải: Học và nắm vững tất cả các kiến thức căn bản về toán từ lớp dưới. Phải thuộc và nắm vững các định nghĩa và định lý bằng cách làm nhiều bài tập. Gặp một bài toán lạ và khó, bình tĩnh và kiên nhẫn phân tích để đưa về những bài toán cơ bản và quen thuộc. Để có hiệu quả cao, cần phải có một chút yêu thích môn học. Phải học đều ngay từ đầu năm học, chứ không phải đợi gần kiểm tra mới học. Riêng đối với phân môn hình học ngoài những nguyên tắc trên các em cần phải lưu ý thêm: Luôn đem theo dụng cụ vẽ hình đầy đủ. Nắm được cách vẽ những hình cơ bản, rèn kĩ năng vẽ hình tỉ mỉ và chính xác. Để nhớ kỹ bài, lời khuyên của cô là các em phải thường xuyên ôn tập, vận dụng các công thức. Khi học nên vẽ hình, vận dụng đầy đủ các giác quan: mắt nhìn, tay ghi, miệng đọc. Kinh nghiệm học toán thì có rất nhiều, nhưng quan trọng các em hãy xác định rõ thực lực của mình, điểm yếu cũng như điểm mạnh của bản thân để từ đó lên kế hoạch ôn luyện hay áp dụng các phương pháp học phù hợp. Hãy học bằng tất cả niềm say mê của mình, chắc chắn các em sẽ không còn chán nản trước những con số Toán học khô khan.
2/ Đối với môn vật lý: Thường thì khi các em học giỏi toán thì các em sẽ học tốt các môn tự nhiên khác như vật lý, hóa học. Tuy nhiên, mỗi môn học có đặc thù riêng, nên ngoài những nguyên tắc trên khi học môn vật lý các em lưu ý: Là môn học nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Những hiện tượng chỉ tuân theo một số nguyên tắc nhất định, và để hiểu rõ những hiện tượng đó thì các em có thể hỏi thầy cô trên lớp, tham gia các tiết thực hành nghiêm túc, đọc kết quả chính xác. Các em có thể lên mạng để tìm những hình ảnh minh họa, những đoạn phim mô phỏng những thí nghiệm học trên lớp. Trên mạng có rất nhiều tư liệu và minh họa dễ hiểu. Chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là các em đã phần nào làm được những câu lý thuyết. Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; các em có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ công thức để không làm sai. Một việc nữa là trong sách giáo khoa, để cho dễ hiểu, người ta thường đưa ra những công thức rút gọn cho những trường hợp đặc biệt từ một công thức tổng quát. Và điều này giúp các em làm câu hỏi trắc nghiệm nhanh hơn. Vì thế số lượng công thức mà các em phải học là nhiều hơn và khó nhớ hơn. Điều này dễ làm rối các em. Theo cô, các em nên nhớ một công thức gốc, rồi tùy trường hợp mà đơn giản công thức lại. Nếu các em nào có thể nhớ hết thì rất tốt, nhưng số lượng công thức là nhiều, rất nguy hiểm khi các em nhớ không rõ công thức, việc nhớ một công thức tổng quát sẽ làm các em cảm thấy dễ chịu hơn và nhớ lâu hơn. Và nếu làm nhiều các em sẽ quen với những trường hợp đặc biệt mà không cần cố nhớ công thức cho những trường hợp đặc biệt lúc đầu. Trình tự làm một bài toán vật lý thường: Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào. Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu. Đổi đơn vị nếu cần (các em thường không để ý hay quên làm bước này). Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp). Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải. Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số). Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
3/ Đối với môn hóa học: Hóa học là một bộ môn khoa học có khối lượng lớn kiến thức cả về phương diện thực nghiệm lẫn lý thuyết. Để học tốt Hóa, các em phải nắm vững lý thuyết, tức là không chỉ nhớ được tính chất hóa học của các chất, mà còn phải hiểu bản chất, hiểu tại sao các chất lại có tính chất hóa học như vậy. Có nghĩa là các em phải lật đi lật lại vấn đề với 3 câu hỏi lớn: “Đó là cái gì? Nó như thế nào? Tại sao lại như thế?”.Trả lời được ba câu hỏi ấy, em sẽ tìm được cách học tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, lý thuyết Hóa thường khó nhớ, đặc biệt là các phương trình hóa họcNên khi học các em có thể: Bám sát kiến thức trên lớp, chú ý những gì thầy cô giảng trên lớp, cái gì không hiểu hỏi ngay. Học thuộc bài, thuộc lí thuyết sách giáo khoa, các phương trình phản ứng. Các bài học thì thường có sự liên quan với nhau, cố gắng tìm điểm chung của nó. Đặc biệt khi học về các chất hóa học thường có các phản ứng đặc trưng. Vì vậy các em cần chú ý để nắm được điểm chung, điểm riêng biệt. Viết các phương trình ra nháp nhiều lần, vừa viết vừa đọc ra miệng các phương trình đang viết. Có thể tự tạo các dãy biến hóa và tự viết phương trình biểu diễn cho các dãy biến hóa đó. Không lạ gì học tập được quan niệm là một quá trình lao động và phấn đấu, ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. Với phương châm “chủ động, tích cực, thoải mái và kiên trì” ; Các em hãy xác định cho mình phương pháp học tốt, hy vọng rằng các em sẽ tìm được phương pháp học tập cho riêng mình và đạt kết quả cao trong thời gian tới.
Lê Bảo Vân là người sáng lập NidoBCN, một nền tảng giáo dục trực tuyến nổi bật với sứ mệnh mang đến các giải pháp học tập hiệu quả và kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, Vân đã xây dựng NidoBCN từ một ý tưởng nhỏ thành một cộng đồng giáo dục phát triển mạnh mẽ. Đọc tiếp!