Kỹ năng mềm giúp chúng ta tương tác hiệu quả và sống hòa hợp hơn với mọi người xung quanh. Một số tính cách như là sự đồng cảm, cởi mở, sẵn sàng học hỏi đều là những kỹ năng mềm rất cần thiết trong bất kỳ lĩnh vực nào và trong lập trình cũng vậy.
Dưới đây là 10 kỹ năng mềm sẽ giúp các developer (lập trình viên) phát triển hơn trong sự nghiệp của mình.
1. Sự thấu hiểu
Sự thấu hiểu là kỹ năng mềm đầu tiên bạn cần có vì chỉ khi hiểu được các thành viên trong team của mình, bạn mới dễ dàng nhận ra vấn đề mà họ đang gặp phải. Từ đó bạn có thể tìm ra được cách làm việc hiệu quả đối với mỗi người trong nhóm. Nhờ vậy mà công việc trở nên thuận lợi hơn.
Mọi người cũng thoải mái đề xuất ý kiến hơn khi các thành viên trong team đều hiểu nhau. Sẽ không còn nỗi sợ bị chế nhạo hay nhận feedback tiêu cực khi đưa ra một ý tưởng mới.
Trong giao tiếp, sự thấu hiểu giúp bạn nhìn thấy được phản ứng của người đối diện. Họ đang vui hay buồn, có đang thoải mái hay khó chịu hay không? Vì thế bạn có thể điều chỉnh lời nói của mình cho phù hợp hơn.
Nếu bạn không thích ý tưởng của ai đó thì khoan hãy đưa ra lời phán xét ngay. Hãy dừng lại một chút và hỏi mình tại sao lại không thích ý tưởng này. Sau đó, hãy đưa ra phản hồi tích cực cho ý tưởng đó trước.
Tiếp theo mới là điều bạn không thích và kết thúc bằng điều tích cực khác. Cách tiếp cận “bánh mì kẹp” này giúp người nhận phản hồi sẽ không chú tâm vào những tiêu cực nhưng sẽ hiểu những ưu và khuyết điểm trong ý tưởng của họ.
Ngoài ra, bạn cũng cần thấu hiểu user của mình, hãy nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ. Nếu không có user thì sản phẩm bạn làm ra là vô nghĩa cho nên bạn phải nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ trước quan điểm của bạn.
Chỉ vì bạn thích một thứ gì đó không có nghĩa user cũng vậy. Việc đưa ra quyết định phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa chứ không đơn giản chỉ là sở thích cá nhân.
2. Sự giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả giúp cuộc sống của bạn thoải mái hơn kể cả ở nơi làm việc lẫn ở nhà
Sau đây là một số điều cần lưu ý để giao tiếp hiệu quả hơn:
- Hãy nói thật rõ ràng và chắc chắn ngay cả khi bạn không chắc chắn về điều đó. Mọi người có xu hướng chú ý, lắng nghe những ai có giọng nói tự tin.
- Học cách lắng nghe, những người giao tiếp giỏi nhất thường dành nhiều thời gian để lắng nghe khi họ trò chuyện.
- Đừng bao giờ ngắt lời người khác khi nói chuyện. Hãy để họ nói hết những gì họ muốn nói sau đó hãy nêu lên suy nghĩ của mình.
3. Làm việc nhóm
Cho dù bạn có làm nghề gì đi chăng nữa thì cũng sẽ có lúc bạn phải làm việc nhóm. Cho nên nếu muốn thành công hơn, bạn cần học cách làm việc tốt với người khác.
Làm việc nhóm tốt sẽ đem đến cho bạn không chỉ niềm vui trong công việc mà còn là những mối quan hệ. Có thể họ sẽ giúp đỡ bạn trong tương lai.
Sự bất đồng quan điểm là điều luôn gặp phải khi làm việc nhóm. Tuy vậy, những quan điểm khác nhau sẽ giúp bạn tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn.
4. Sự thân thiện và tốt bụng
Sẽ có lúc bạn sẽ được một ai đó nhờ vả, chẳng hạn như nhờ giải thích một kiến thức mới, nhờ fix bug,… Lúc đó sự thân thiện là điều cần thiết để bạn trở nên hòa đồng với mọi người.
Nếu bạn tạo khoảng cách với người khác thì khi một vấn đề gì đó xảy ra họ sẽ rất ngại nhờ sự giúp đỡ của bạn. Nhiều khi vì vậy mà một vấn đề bé sẽ xé ra to hơn.
Không thân thiện và ít giúp đỡ người khác cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có ai giúp đỡ bạn khi bạn cần.
Sự thân thiện sẽ mang bạn đến với mọi người giúp thoải mái hơn trong công việc cũng như ít có người chống đối lại bạn hơn.
Nếu bạn thực sự bận và cần tập trung vào công việc thì hãy ra dấu hiệu cho mọi người biết bằng cách đeo tai nghe và để chế độ ngoại tuyến với các cuộc trò chuyện của công ty. Nếu ai đó vẫn muốn tiếp cận bạn thì hãy lên lịch hẹn cụ thể với họ để thảo luận.
5. Sự kiên nhẫn
Sẽ có lúc công việc buộc bạn phải làm việc với những người không phải là lập trình viên. Điều đó có nghĩa là rất có thể bạn phải giải thích lại những khái niệm kỹ thuật hoặc những lý do quyết định của mình bằng ngôn ngữ đơn giản hơn.
Một số người sẽ nắm bắt vấn đề được ngay lập tức, một số thì sẽ cần thêm thời gian. Kiên nhẫn với mọi người vào những thời điểm như thế này là điều quan trọng để các nhóm làm việc tốt với nhau.
Một số người ngoài ngành sẽ không hiểu được lập trình khó như thế nào hay viết code mất thời gian bao lâu. Cho nên đôi khi họ sẽ có những yêu cầu hơi cao. Hãy dành thời gian để giải thích tại sao nó không đơn giản như họ nghĩ và trả lời tất cả câu hỏi mà họ có. Khi vấn đề được rõ ràng, việc hợp tác với nhau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
6. Tư duy mở
Khi tâm trí của bạn rộng mở, bạn sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới cho dù chúng là của bạn hay của người khác. Ngay cả những ý tưởng tồi tệ nhất cũng có thể truyền cảm hứng cho một điều gì đó tuyệt vời nếu bạn sẵn sàng xem xét chúng trước khi loại bỏ chúng.
Bạn càng có nhiều ý tưởng, bạn càng có nhiều dự án tiềm năng để thực hiện.
Mặc dù không phải mọi ý tưởng sẽ thành hình, nhưng bạn không biết điều gì sẽ xảy ra cho đến khi bạn thật sự suy nghĩ kỹ về nó.
Hãy để tâm trí cởi mở với những ý tưởng mới không chỉ từ nhóm của bạn mà còn từ những người còn lại trong công ty và thậm chí cả khách hàng. Khách hàng là những người sử dụng sản phẩm của bạn, vì vậy họ là những người tốt nhất để cho bạn biết họ cần gì và những gì là hiệu quả.
7. Giải quyết vấn đề
Vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp, các vấn đề sẽ ập tới bạn. Có thể nó sẽ đến thường xuyên hoặc cũng có thể hiếm khi nhưng chắc chắn nó sẽ đến và bạn không thể tránh khỏi.
Vậy hãy nhanh chóng rèn cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề bởi vì cách mà bạn xử lý vấn đề sẽ có ảnh hưởng lớn đến cả sự nghiệp của bạn và công ty bạn đang làm việc.
Giải quyết vấn đề là kỹ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở những nhân viên tương lai, vì vậy bạn càng có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề thì càng lợi thế.
Khi tiếp cận một vấn đề mới, hãy luôn nhìn nhận vấn đề đó một cách khách quan, ngay cả khi đó là vấn đề bạn vô tình tạo ra
Khi bạn biết chính xác vấn đề là gì, hãy tìm hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề. Rất dễ để tìm ra giải pháp khi bạn biết nguyên nhân.
Điều quan trọng cần nhớ là cho dù bạn có gây ra vấn đề hay không, bạn không cần phải khắc phục nó một mình. Làm việc với những người trong và ngoài nhóm giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn so với làm việc đó một mình.
8. Sự trách nhiệm
Tự chịu trách nhiệm với những sai lầm của mình. Có thể khó thừa nhận rằng một quyết định của bạn đã tạo ra một kết quả không mong muốn, nhưng điều đó tốt cho bạn và nhân viên của bạn về lâu dài.
Che giấu sai lầm sẽ mắc lại sai lầm tương tự trong tương lai
Thay vì phóng lao phải theo lao, hãy thừa nhận trách nhiệm. Sử dụng cơ hội đó để phân tích những gì đã xảy ra, sau đó sử dụng dữ liệu này để khắc phục sự cố và hướng dẫn bạn và đồng nghiệp của bạn cách tránh những sai lầm tương tự.
9. Sự sáng tạo
Những ý tưởng và giải pháp tốt nhất thường đến khi chúng ta tiếp cận mọi thứ từ một góc nhìn khác, vượt ngoài khuôn khổ. Đây là điều làm nên sự khác biệt giữa những người sáng tạo nhất, từ lập trình viên, doanh nhân đến tác giả so với tất cả những người còn lại.
Sự sáng tạo có thể học được và cần phải luôn thực hành
Đọc tiểu thuyết, viết văn, nghệ thuật, thủ công, thậm chí nấu ăn là những cách khám phá sự sáng tạo. Bạn càng khám phá nhiều cách sáng tạo, bạn càng dễ dàng tìm ra những cách khác nhau để tiếp cận cùng một vấn đề.
10. Quản lý thời gian
Khi bạn có nhiều việc phải làm, biết cách quản lý thời gian là điều rất quan trọng.
Bạn dành bao nhiêu thời gian để lập kế hoạch?
Bao nhiêu thời gian bạn thực sự code?
Bao nhiêu thời gian để làm việc với nhóm của bạn để đưa ra ý tưởng mới?
Quản lý thời gian hiệu quả cho phép bạn tập trung vào những gì quan trọng nhất và hoàn thành công việc hiệu quả hơn.
Kỹ thuật quản lý thời gian như Pomodoro giúp bạn làm việc trong một khoảng thời gian nhất định cho một nhiệm vụ, nghỉ ngơi, sau đó quay lại làm việc tiếp. Hoặc Kanban là công cụ giúp bạn trực quan hóa công việc của mình. Các kỹ thuật đó là những cách tuyệt vời để bạn xây dựng lại thói quen tập trung của mình thay vì thói quen đa nhiệm.
Mặc dù đôi khi mong muốn làm việc đa nhiệm nảy sinh và có vẻ như bạn đang hoàn thành vô số công việc khi đa nhiệm, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều đó có hại cho năng suất.
Không dành sự tập trung hoàn toàn vào một điều gì đó có nghĩa là các task sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành và bạn có nhiều khả năng mắc lỗi hơn.
Nếu bạn thường làm nhiều việc, hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho danh sách việc cần làm của bạn sau đó sử dụng một trong những kỹ thuật được đề cập ở trên để giúp bạn tập trung hơn
Bạn sẽ ngạc nhiên khi bạn hoàn thành công việc nhanh hơn đáng kể khi dành toàn bộ sự tập trung cho nó.
Lời kết
Dưới đây là 10 kỹ năng hữu ích mà mọi lập trình viên nên sở hữu. Bạn thấy đâu là kỹ năng mềm giúp ích cho bạn nhiều nhất ?
Lê Bảo Vân là người sáng lập NidoBCN, một nền tảng giáo dục trực tuyến nổi bật với sứ mệnh mang đến các giải pháp học tập hiệu quả và kỹ năng sống cho học sinh và sinh viên. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, Vân đã xây dựng NidoBCN từ một ý tưởng nhỏ thành một cộng đồng giáo dục phát triển mạnh mẽ. Đọc tiếp!