Các Phương Pháp Giáo Dục Mầm Non Hiện Đại và Hiệu Quả Nhất

Nhiều người lầm tưởng rằng mầm non chỉ là nơi bé làm quen với lớp học và hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Thực tế giáo dục ở cấp học này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Vậy, có những phương pháp giáo dục mầm non nào đang được đánh giá cao hiện nay?

Phương pháp giáo dục mầm non là gì?

Phương pháp giáo dục mầm non là gì

Phương pháp giảng dạy là những chiến lược mà các nhà giáo dục sử dụng để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ học tập. Nói cách khác, đây là một tập hợp các cách thức để hướng dẫn trẻ học những gì và như thế nào.

Hầu hết các chương trình mầm non đều tập trung vào phương pháp tiếp cận do bé dẫn dắt, khám phá hoặc dựa trên vui chơi… Mục đích của các phương pháp là giúp bé có thể tương tác, phát triển đồng đều các kỹ năng, ghi nhớ và áp dụng kiến thức vào đời sống.

Hiện nay, có các phương pháp giảng dạy tiêu biểu như thuyết trình theo phong cách bài giảng truyền thống, thảo luận tương tác, hoạt động thực hành, học tập thông qua vui chơi, áp dụng công nghệ…

Tầm quan trọng của phương pháp giáo dục mầm non

Các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh rằng 5 năm đầu đời của trẻ là một trong những giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển. Đây là thời kỳ có ảnh hưởng lâu dài tới hành trình học tập và trưởng thành của con. Do vậy, lựa chọn được phương pháp giảng dạy phù hợp là yếu tố rất quan trọng.

Có rất nhiều cách giáo dục khác nhau để đáp ứng cho từng học sinh. Những phương pháp hiệu quả sẽ tạo ra môi trường học tập tiên tiến, giúp bé có thể học tập kiến thức và phát triển kỹ năng đồng đều.

Hơn nữa, bên cạnh môi trường gia đình thì trường mầm non mang lại cho trẻ niềm yêu thích học tập và tạo cơ hội cho bé thử những điều mới mẻ. Vì vậy, cần lựa chọn một trường mầm non hoặc nhà trẻ có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với bé.

Ngược lại, những phương pháp giảng dạy rập khuôn theo lối mòn và thiếu sáng tạo sẽ không giúp bé phát huy được khả năng tiềm ẩn của mình.

Các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giảng dạy ở cấp mầm non. Tùy vào mục tiêu và triết lý giáo dục mà các trường có thể áp dụng một phương pháp nào đó chuyên biệt hoặc đa dạng các phương pháp.

Dưới đây là một số phương pháp giảng dạy mầm non phổ biến trên toàn thế giới, được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng.

1. Phương pháp giáo dục Reggio Emilia

Reggio Emilia ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XX, được phát triển bởi nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi. Reggio Emilia từng được được tạp chí Newsweek (Mỹ) đánh giá là phương pháp giảng dạy xuất sắc nhất thế giới.

Reggio Emilia quan niệm rằng trẻ em là những người ham học hỏi, cần được kích thích bởi môi trường xung quanh và nên được khám phá mọi thứ.

Đặc điểm của phương pháp Reggio Emilia:

• Đây là phương pháp giảng dạy do bé dẫn dắt, lấy học sinh làm trung tâm. Bé được học bằng cách thực hiện các hoạt động dựa trên dự án thông qua Atelier (không gian sáng tạo) và Atelierista (giáo viên nghệ thuật).

Tham khảo thêm:  Trẻ Học Những Kỹ Năng Và Kiến Thức Gì Tại Trường Mầm Non

• Bé được tiếp xúc với nhiều trải nghiệm và cơ hội khác nhau. Đặc biệt là những trải nghiệm có thể giúp con có thể tự thể hiện mình và phát huy khả năng sáng tạo.

• Trong môi trường học tập Reggio Emilia, học sinh được học tập đa dạng các lĩnh vực như nghệ thuật, kịch, âm nhạc, hội họa, điêu khắc…

• Phương pháp này chú trọng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội hơn là phát triển kỹ năng cá nhân.

• Giáo viên là người theo dõi sự phát triển của học sinh, đồng thời đánh giá quá trình học tập của bé. Ba mẹ cũng có thể tham gia vào quá trình học tập của con.

2. Phương pháp giáo dục mầm non Montessori

Montessori là một hệ thống giáo dục được phát triển vào đầu thế kỷ 20 bởi nhà giáo dục người Ý Maria Montessori. Phương pháp Montessori bắt nguồn từ cách tiếp cận giáo dục theo chủ nghĩa cá nhân và dựa theo nguyên tắc mọi trẻ em đều có bản chất tò mò và khả năng học tập độc lập.

Đặc điểm của phương pháp Montessori:

• Hướng đến trẻ, lấy học sinh làm trung tâm; giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, đánh giá đồng thời thiết kế các hoạt động phù hợp cho con.

• Bé có thể học tập và phát triển theo tốc độ riêng của mình. Môi trường Montessori tạo cơ hội cho con phát triển các kỹ năng cá nhân và tính độc lập (khác với Reggio Emilia).

• Bé có cơ hội tự khám phá, trải nghiệm và tự chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.

• Lớp học được chuẩn bị kỹ lưỡng với các góc hoặc tài liệu theo chuẩn Montessori. Lớp có thể gồm học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

3. Phương pháp giáo dục STEM

STEM là từ viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đây là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ giáo dục khoa học. Phương pháp này bắt nguồn từ quan điểm của các nghiên cứu cho rằng trẻ em được tiếp xúc với khoa học ngay từ khi còn nhỏ có rất nhiều lợi ích.

Mục tiêu của phương pháp này là thu hút trẻ nhỏ tham gia khám phá khoa học bằng cách tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm thực tế, chẳng hạn như chơi xếp hình.

Đặc điểm của phương pháp STEM:

• Trẻ em được cung cấp tài liệu và mời tham gia “thử nghiệm”. Giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt đồng thời đưa ra các yêu cầu để bé thử thách khả năng của mình.

• Học sinh được thảo luận, chia sẻ các câu hỏi, quan sát và rút ra bài học cho mình.

• Các chương trình STEM cũng tích hợp hoạt động khám phá khoa học vào các hoạt động hàng ngày như làm vườn và vui chơi ngoài trời.

• Phương pháp này không đặt nặng lý thuyết, lấy thực hành và các trải nghiệm thực tế làm bài học cho bé.

• Trẻ học được cách phân tích, giải quyết vấn đề một cách chủ động, qua đó phát huy khả năng sáng tạo.

4. Phương pháp giáo dục Waldorf

Phương pháp Waldorf (hay còn được gọi là Steiner) được phát triển vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bởi học giả người Áo Rudolph Steiner. Phương pháp giáo dục này dựa trên mục tiêu cố gắng nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn và sở thích của bé.

Tham khảo thêm:  Cách Sử Dụng Công Nghệ An Toàn và Hiệu Quả Cho Trẻ Em

Waldorf phổ biến ở châu Âu. Ở Việt Nam hiện nay có một số trường áp dụng phương pháp giáo dục mầm non này, thế nhưng được đánh giá là chưa hoàn toàn phù hợp và còn gây ra một vài tranh cãi.

Đặc điểm của phương pháp Steiner:

• Giáo dục Waldorf nhấn mạnh việc nuôi dưỡng trẻ toàn diện bằng cách phát triển năm giác quan với các trải nghiệm học tập mang tính thực hành và nghệ thuật.

• Một giáo viên thường ở cùng một nhóm trẻ trong vài năm. Bé được chơi tự do với các vật liệu tự nhiên như gỗ, lá cây, vỏ sò, búp bê, khăn lụa… Thông qua vui chơi, học sinh được nuôi dưỡng trí tưởng tượng, phát huy tinh thần đoàn kết tập thể (hoặc theo nhóm).

• Các trường theo phương pháp Waldorf chú trọng môi trường và hoạt động ngoài trời, trẻ em không được khuyến khích chơi các trò chơi điện tử.

• Phương pháp này chú trọng đến tính sáng tạo và trí tưởng tượng hơn là học thuật.

• Môi trường Waldorf được cho là khá thoải mái để bé phát triển nhưng lại không có tính kỷ luật (điều này đang là vấn đề gây tranh cãi).

5. Phương pháp play-based learning (học tập thông qua vui chơi)

Phương pháp play-based learning

Trẻ em học tốt nhất thông qua vui chơi. Vui chơi kích thích trí tò mò và dạy bé những kỹ năng cần thiết. Thông qua việc chơi và mắc lỗi, bé học cách khám phá, chấp nhận rủi ro và sử dụng trí tưởng tượng của mình.

Play-based learning là phương pháp ra đời từ những năm 2000 và nhanh chóng được coi là một trong những phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến bậc nhất. Bởi vì vui chơi đã được chứng minh là đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển cấu trúc não bộ của trẻ. Chơi cũng thiết lập một nền tảng vững chắc cho việc học tập trong tương lai.

Đặc điểm phương pháp play-based learning:

• Bé được quyết định xem mình muốn chơi gì và chơi như thế nào và tự mình khám phá trong bao lâu. Giáo viên có thể giám sát hoặc gợi ý, nhưng bé cần sử dụng trí tò mò của mình để quyết định xem nên làm gì.

• Học sinh được tự học và khám phá theo thời gian, tốc độ của riêng mình, không có những quy tắc cứng nhắc. Việc học tập của bé là dựa trên quá trình, không có mục tiêu cuối cùng là phải đạt được cái gì.

• Bé có thời gian trải nghiệm thú vị, vui vẻ. Con được kết nối với những gì mình đang làm mà không bị ép buộc.

• Học sinh có quyền tự do tưởng tượng, sáng tạo không giới hạn. Giáo viên hỗ trợ, động viên và hướng dẫn bé ở môi trường học tập trong nhà và ngoài trời.

• Học tập qua vui chơi giúp bé phát triển toàn diện cả cảm xúc, thể chất, nhận thức, kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, lắng nghe… Phương pháp này cũng phát huy trí tưởng tượng và sự sáng tạo của bé, đồng thời hỗ trợ phát triển các kỹ năng vận động tinh.

Tham khảo thêm:  Gợi Ý Hoạt Động Giáo Dục Vui Chơi Tại Nhà Cho Trẻ Mầm Non

6. Phương pháp giáo dục Bank Street

Lucy Sprague Mitchell được ghi nhận là người đã tạo ra phương pháp giáo dục này và triết gia giáo dục John Dewey là người có ảnh hưởng mạnh mẽ. Phương pháp này tập trung vào việc phát triển về tinh thần, xã hội, cảm xúc và thể chất của học sinh mầm non.

Đặc điểm của phương pháp Bank Street:

• Học sinh là người học tích cực và thu nhận kiến thức về thế giới thông qua các trải nghiệm.

• Bé thiết lập tốc độ học tập và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn.

• Phương pháp Bank Street có một vài điểm tương đồng với học thông qua trò chơi. Tức là chủ trương dạy bé các bài học thông qua các hoạt động thực hành như xếp hình, chơi đất sét, đóng kịch…

• Trẻ mẫu giáo thường làm việc trong môi trường nhóm không cạnh tranh. Bé có quyền quyết định xem nên học bằng cách sử dụng phương pháp thực hành hay thông qua quan sát.

Nên lựa chọn phương pháp giáo dục mầm non nào?

Làm thế nào để lựa chọn được môi trường giáo dục tốt nhất cho con yêu trong những năm đầu đời là điều mà hầu như các bậc cha mẹ đều băn khoăn.

Hiện nay, ngoài một số trường giảng dạy theo phương pháp truyền thống, có khá nhiều trường mầm non theo phương pháp chuyên biệt. Một số khác lại là tập hợp của các nhóm phương pháp giáo dục mầm non. Điều này khiến nhiều người cảm thấy khó khăn khi chọn trường cho con.

Các chuyên gia giáo dục khuyên ba mẹ nên dựa vào các tiêu chí sau để lựa chọn:

Chọn môi trường cho phép thực hiện đa dạng các chương trình học tập: Một chương trình chất lượng cao sẽ đáp ứng đa dạng các phong cách, cho phép bé có thể tiếp cận với các cách học khác nhau trong suốt quá trình học tập của mình.

Chọn môi trường đáp ứng tốt nhất nhu cầu của trẻ: Hãy chọn chương trình có phương pháp giáo dục và môi trường phù hợp với tính cách, sở thích, sở trường để bé có thể phát triển toàn diện. Ưu tiên môi trường lấy bé làm trung tâm và tạo cơ hội để con được vui chơi, học tập và khám phá theo cách riêng của mình.

Có thể ưu tiên môi trường giáo dục khuyến khích sự tham gia của gia đình: Một khi ba mẹ được kết nối và tham gia với các hoạt động giáo dục của con, điều này sẽ nâng cao kết quả giáo dục.

Lựa chọn phương pháp giáo dục mầm non nào là một quyết định quan trọng mà nhiều người phải cân nhắc cẩn thận. ILA mong rằng ba mẹ có thể lựa chọn được môi trường học tập tích cực để mỗi ngày đến trường của bé đều là ngày vui.

Bài viết liên quan